Lịch sử Nhạc hội Sanremo

Sanremo Casino là nơi tổ chức Nhạc hội Sanremo từ năm 1951 đến năm 1976.

Trong giai đoạn sau chiến tranh thế giới thứ Hai, một trong những đề xuất để khôi phục nền kinh tế và danh tiếng của Sanremo là xây dựng một lễ hội âm nhạc tổ chức hằng năm trong thành phố.[14] Mùa hè năm 1950, người quản trị của Sanremo Casino, Piero Bussetti, và người chỉ huy dàn nhạc của RAI, Giulio Razzi, thảo luận lại về ý tưởng này, và quyết định mở một cuộc thi giữa những bài hát chưa từng được phát hành.[15] Với tên chính thức là Festival della Canzone Italiana (tiếng Việt: Lễ hội bài hát của Ý), chương trình đầu tiên của Nhạc hội được tổ chức tại Sanremo Casino vào các ngày 29, 30 và 31 tháng 1 năm 1951.[14] Chung kết của cuộc thi được phat sóng trên kênh Rete Rossa, kênh phát thanh quan trọng thứ hai của RAI.[16]Hai mươi ca khúc đã tham gia cuộc thi, và chỉ được biểu diễn bởi ba nghệ sĩ duy nhất–Nilla Pizzi, Duo Fasano và Achille Togliani.[8]

Bắt đầu từ chương trình thứ ba của Nhạc hội, tổ chức năm 1953, mỗi bài hát được hai nghệ sĩ khác nhau biểu diễn với dàn nhạc và sắp xếp âm nhạc riêng biệt.[17] Hai năm sau, vào năm 1955, Nhạc hội được phát sóng lần đầu trên truyền hình, do một phần của đêm chung kết cũng được phát sóng trên kênh Programma Nazionale của RAI.[18] Đêm chung kết của chương trình năm 1955 cũng được phát sóng tại Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan và Thụy Sĩ.[16]

Năm 1964, Gianni Ravera, người tổ chức Nhạc hội Sanremo lần thứ 14, tạo ra thay đổi nhỏ trong luật chơi của cuộc thi, yêu cầu mỗi bài hát được biểu diễn bởi một nghệ sĩ Ý và một ca sĩ quốc tế,[19] điều này cho phép mỗi bài hát được thể hiện bằng bất cứ ngôn ngữ nào.[8] Luật này được áp dụng trong cuộc thi của các năm tiếp theo.[20] Từ năm 1967 đến năm 1971, các bài hát không bị bắt buộc phải được nghệ sĩ quốc tế biểu diễn, nhưng luật hai màn trình diễn cho một ca khúc vẫn được tuân thủ. Kể từ năm 1972, mỗi bài hát được một nghệ sĩ thể hiện một lần duy nhất.[21]

Teatro Ariston là nơi tổ chức Nhạc hội Sanremo kể từ năm 1977. Cuộc thi năm 1990 là một ngoại lệ, được tổ chức tại Palafiori, Sanremo.

Trong Nhạc hội Sanremo năm 1974, lần đầu tiên các nghệ sĩ được chia thành hai nhóm "Nghệ sĩ lớn" và "Nghệ sĩ trẻ". Cuộc thi chỉ có một người thắng cuộc, nhưng các nghệ sĩ thuộc nhóm "Nghệ sĩ trẻ" phải trải qua một vòng loại, trong khi các "Nghệ sĩ lớn" được vào thẳng vòng chung kết.[8]

Năm 1977, Sanremo Casino, nơi tổ chức các chương trình trước đó của cuộc thi, không có khả năng để tân trang lại, do vậy cuộc thi được chuyển đến Teatro Ariston.[22] Rạp hát này sau đó trở thành địa điểm thường xuyên tổ chức cuộc thi,[23] mỗi năm một lần, trừ năm 1990, khi Nhạc hội được tổ chức tại Nuovo Mercato dei Fiori, hay được biết đến như là Palafiori.[24]

Năm 1980, các bài nhạc đệm được thu âm trước đã thay thế dàn nhạc, trong khi các màn biểu diễn có bật bản ghi âm được cho phép sử dụng trong đêm chung kết năm 1983.[25] Vào các năm 1984 và 1985, tất cả nghệ sĩ được yêu cầu phải trình diễn với bản thu âm bật sẵn, trong khi các màn biểu diễn trực tiếp với dàn nhạc được giới thiệu trở lại vào năm 1986.[25]Cũng trong những năm này, cuộc thi có một số thay đổi khác. Năm 1982, các nhà báo âm nhạc được chương trình chấp thuận đã quyết định tạo ra một giải thưởng để ghi nhận ca khúc xuất sắc nhất cuộc thi. Kể từ năm 1983, giải thưởng được chính thức trao tặng ngay tại cuộc thi. Giải thưởng của các nhà phê bình sau đó được đặt theo tên Mia Martini, nghệ sĩ đầu tiên nhận giải thưởng này vào năm 1982 với bài hát "E non finisce mica il cielo".[26]

Ngoài ra, bắt đầu từ năm 1984, sự phân chia giữa các nghệ sĩ mới và các nghệ sĩ nổi tiếng trở nên rõ ràng với việc giới thiệu hai cuộc thi khác nhau với hai người thắng giải riêng biệt.[8] Năm 1989, một hạng mục thứ ba, có tên gọi là Nghệ sĩ sắp tới, được giới thiệu nhưng bị gỡ bỏ ngay năm kế tiếp.[27]Chỉ duy nhất trong năm 1998, top 3 nghệ sĩ của nhóm nghệ sĩ mới được cho phép thi đấu trong cuộc thi chính. Điều này dẫn đến chiến thắng của ca sĩ mới ra mắt Annalisa Minetti, gây nên một số tranh cãi và dẫn đến việc trở lại thi đấu giữa các nhóm hoàn toàn riêng biệt từ năm 1999.[28]

Sự phân biệt giữa các nhóm nghệ sĩ một lần nữa được gỡ bỏ vào năm 2004.[29] Ở cuộc thi năm sau, thí sinh được chia thành năm nhóm khác nhau—Nghệ sĩ mới, Nghệ sĩ nam, Nghệ sĩ Nữ, Nhóm nhạc và Cổ điển. Người chiến thắng ở mỗi nhóm sẽ thi đấu để giành chiến thắng chung cuộc trong cuộc thi.[30] Nhóm Cổ điển bị gỡ bỏ vào năm 2006,[31] trong khi kể từ năm 2007, Nhạc hội áp dụng trở lại các luật của thập niên 1990, với hai cuộc thi ở hai nhóm riêng biệt là nghệ sĩ nổi tiếng và nghệ sĩ mới.[32]

Năm 2009, một cuộc thi mới, tổ chức toàn bộ trên Internet, được giới thiệu bởi chủ tịch của Nhạc hội lần thứ 59, Paolo Bonolis. Với tên gọi Sanremofestival.59,[33] cuộc thi này đã không được tổ chức vào các năm tiếp theo.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhạc hội Sanremo http://www.adnkronos.com/Archivio/AdnAgenzia/1996/... http://www.adnkronos.com/Archivio/AdnAgenzia/2008/... http://www.adnkronos.com/IGN/News/Spettacolo/Sanre... http://www.adnkronos.com/IGN/News/Spettacolo/Sanre... http://www.aristonsanremo.com/Festival%20di%20Sanr... http://www.esctoday.com/news/read/7817 http://www.eurovisionary.com/eurovision-news/sanre... http://www.festivaldisanremo.com http://articles.latimes.com/1994-08-09/news/mn-250... http://www.musicalnews.com/articolo.php?codice=228...